Breaking News

Nhật công bố kế hoạch phát triển chiến đấu cơ tinh vi nhất thế giới

Sau khi Mỹ chấp thuận bán 105 tiêm kích tàng hình F-35 cho Nhật Bản, Tokyo đã công bố kế hoạch khởi động chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 tinh vi nhất thế giới.
Nhật Bản đã công bố kế hoạch chế tạo một trong những máy bay chiến đấu tàng hình tinh vi nhất thế giới. Đó có thể là tiêm kích hai động cơ được thiết kế để đảm nhận vai trò chiếm ưu thế trên không cho Tokyo, CNN cho biết.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuần này cho biết quốc hội đã phê duyệt kế hoạch sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 6 vào năm tài khóa 2031. Tiêm kích mới sẽ thay thế cho gần 100 tiêm kích F-2, phiên bản F-16 của Mỹ được sản xuất tại Nhật Bản, theo kênh truyền hình NHK.

Nhiều tính năng vượt trội

Ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm 2020 đã chi hơn 28 tỷ yen (261 triệu USD) cho quá trình nghiên cứu trong chương trình tiêm kích thế hệ tiếp theo FX. Trong đó, một phần ngân sách được trích cho nghiên cứu mẫu máy bay không người lái có thể hoạt động cùng tiêm kích tàng hình, một công nghệ đang được phát triển ở Mỹ và Australia.
Cơ quan Tiếp nhận, Hậu cần và Công nghệ Nhật Bản (ALTA) đã giới thiệu các tính năng mới trong chương trình FX, gồm khả năng tự động hóa nhắm mục tiêu giữa tên lửa và nhiều máy bay, được gọi là hệ thống điều khiển hỏa lực mạng tích hợp.
Mẫu thử nghiệm công nghệ tàng hình ATD-X của Nhật Bản. Ảnh: Jane's Defence Weekly.
Mẫu thử nghiệm công nghệ tàng hình ATD-X của Nhật Bản. Ảnh: Jane's Defence Weekly.
Khoang vũ khí bên trong thân tương tự như các tiêm kích tàng hình trên thế giới. Trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy để cải thiện tính linh hoạt.
Tiêm kích chủ lực của Nhật Bản là F-2 cùng với F-15J. F-2 cất cánh lần đầu vào năm 1995. Dù F-2 và F-15J đã được nâng cấp, nhưng các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, đã sản xuất và đưa vào sử dụng tiêm kích tàng hình J-20 với nhiều tính năng tiên tiến hơn F-2.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono từng thừa nhận áp lực lên hạm đội máy bay chiến đấu. Tháng trước, ông nói với các phóng viên rằng lực lượng phòng vệ trên không phải cất cánh hàng ngày để ngăn chặn các chuyến bay của máy bay quân sự Trung Quốc.
Một số chuyên gia nhận định, chương trình FX có thể là sự phát triển thêm từ mẫu thử nghiệm công nghệ ATD-X. Nó được chế tạo để thử nghiệm ứng dụng các công nghệ tiên tiến như tàng hình, động cơ kiểm soát vector lực đẩy, radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống điều khiển đa kênh và hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến.
ATD-X đã được thử nghiệm trong năm 2018 và kết quả không được công bố.

Mua 105 tiêm kích F-35

Tin tức về sự phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Nhật Bản được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận bán 105 tiêm kích tàng hình F-35 cho Tokyo.
Với hợp đồng mới, Nhật Bản trở thành quốc gia có nhiều F-35 nhất ngoài Mỹ. Ảnh: AP.
Với hợp đồng mới, Nhật Bản trở thành quốc gia có nhiều F-35 nhất ngoài Mỹ. Ảnh: AP.
Hợp đồng gồm 63 chiếc F-35A tiêu chuẩn và 42 chiếc F-35B, phiên bản cất cánh ngắn và thẳng đứng. Những chiếc F-35B sẽ được sử dụng trên tàu sân bay chuyển đổi từ tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản. Những tàu này sẽ hoạt động với vai trò tàu sân bay hạng nhẹ.
"Việc phê chuẩn đề xuất bán hàng sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ, bằng cách cải thiện an ninh của một đồng minh lớn, đó là một lực lượng đóng vai trò ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương", Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ cho biết trong bản thông báo về kế hoạch bán hàng.
Hợp đồng mua sắm 105 chiếc F-35 trị giá 23 tỷ USD, Lockheed Martin và Pratt và Whitney là những nhà thầu hưởng lợi chính.
Với hợp đồng mới được phê duyệt, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia sử dụng nhiều tiêm kích F-35 nhất ngoài Mỹ. Tokyo sẽ có 147 chiếc F-35. Phi đội F-35A đầu tiên gồm 13 chiếc đã được đưa vào trực chiến từ năm ngoái và đóng quân tại căn cứ Misawa.
Một chiếc F-35A của Nhật Bản đã rơi xuống biển trong một đợt huấn luyện ban đêm vào tháng 4/2019. Nguyên nhân tai nạn được cho là lỗi của phi công.