Breaking News

Đau lòng hình ảnh nhân viên y tế cởi đồ bảo hộ là mồ hôi tuôn xối xả, tay phồng vì đeo găng cứu người


Đau lòng hình ảnh nhân viên y tế cởi đồ bảo hộ là mồ hôi tuôn xối xả, tay phồng vì đeo găng cứu người
Mặc trang phục bảo hộ trong thời gian dài, nữ nhân viên y tế đổ mồ hôi nhiều đến nỗi tuôn xối xả. Xem đoạn clip đang được chia sẻ trên mạng xã hội mới càng thấm thía nỗi vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch.
Tình hình dịch bệnh mỗi ngày càng diễn biến phức tạp và những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch phải đối diện nguy cơ lây nhiễm cao. Để đảm bảo an toàn, mọi người đều phải mặc trang phục bảo hộ kín mít và làm việc quần quật trong thời gian dài. Đến khi tan giờ làm, tháo cởi lớp quần áo bít bùng cũng là lúc sức lực trong họ gần như cạn kiệt.
Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh nữ nhân viên y tế sau giờ làm đã tháo bỏ đồ bảo hộ đã khiến nhiều người xót xa. Theo clip lan truyền trên mạng, cô ngồi lên chiếc ghế và vừa tháo lớp quần bảo hộ là mồ hôi trút xối xả. Lúc đó, nhiệt độ bên ngoài khoảng 29 độ C. Xem clip, nhiều người không khỏi xót xa và phải thốt lên lời khâm phục trước độ chịu đựng của nữ nhân viên y tế để hoàn thành trọng trách cứu người.
Trước đó, hình ảnh một bác sĩ phải đeo găng tay nhiều giờ liền đến nỗi da tay phồng rộp trông rất thảm thương. Để đảm bảo an toàn không lây nhiễm dịch bệnh, nhân viên y tế phải túc trực quần áo bảo hộ lẫn khẩu trang, găng tay 24/24. Bình thường, chỉ một chút nóng nực là chúng ta đã vội than phiền nhưng nghĩ thử, các nhân viên y tế phải mặc lớp quần áo bảo hộ kín mít cả ngày, quần quật làm việc không ngừng nghỉ là mệt đến mức nào.
Nghĩ vậy để thấy bình yên của chúng ta đang trải qua là công sức rất to lớn, là mồ hôi nước mắt của những người ở tuyến đầu chống dịch.
Vụ việc trên xảy ra ở Trung Quốc nhưng ở bất kì nơi đâu cũng vậy, cũng có những con người khoác áo trắng hết sức hết lòng cứu chữa bệnh nhân. Và cả những người xung phong ở tuyến đầu phòng dịch như các chiến sĩ công an, đội khuân vác hàng hóa viện trợ cho các bệnh viện. Họ chấp nhận không thể về nhà với gia đình vợ con vì sợ lây nhiễm và hơn cả là tấm lòng với người dân.
Ở nước ta, đợt dịch bùng phát lần này khiến Đà Nẵng trở thành tâm dịch. Mỗi ngày trôi qua, theo dõi số ca nhiễm, nghi nhiễm rồi có cả trường hợp không qua khỏi mà thắt lòng. Thương cho người dân ở mảnh đất miền Trung oằn mình chống dịch. Thương cho những nhân viên y tế ngày đêm làm việc ở các bệnh viện và bệnh viện dã chiến để dốc lòng cứu chữa bệnh nhân khỏi nguy kịch.
Dịch bệnh nhưng lòng người không dịch, thương vô cùng hình ảnh những chiến sĩ tại trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng kiệt sức sau khi khiêng chuyển các bệnh nhân. Trong lớp quần áo bảo hộ kín mít, lại làm việc liên tục dưới trời nắng gắt nên có người lả đi, phải nhờ đồng đội xối nước lên người để làm mát hay truyền nước để lại sức.
Thương vô cùng hình ảnh nữ nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt trên tấm bìa giấy cứng hay có người nhắm mắt ngủ vội ở hành lang bệnh viện sau giờ làm. Thương vô cùng tinh thần đoàn kết từ mọi nơi đổ dồn cho tâm dịch khi những đoàn y bác sĩ xung phong đến viện trợ. Ai nấy lên đường cũng gác lại gia đình, chồng con đằng sau để dốc sức cứu người như đúng trọng trách của lương y. Thương vô cùng khi nghe một nhân viên y tế tình nguyện đến Đà Nẵng đã chia sẻ: “Khi nào hết dịch, chúng tôi mới về”.
Làm sao nói cho hết những hy sinh, đóng góp của những người ở tuyến đầu chống dịch. Trách nhiệm của chúng ta là tuân thủ quy định và sống có ý thức để phòng chống dịch. Chỉ vậy thôi mà vẫn có nhiều kẻ quá hời hợt đến mức vô tâm, tàn nhẫn. Mỗi lúc nghe đâu đó có nhóm người thản nhiên tụ tập ăn nhậu, hát hò dù đang giãn cách xã hội hay tình hình dịch bệnh khó lường là lại phẫn nộ tột cùng.
Chỉ vì dăm ba cuộc vui, vì miếng rượu lời ca mà làm khốn khổ biết bao nhiêu người. Hay táng tận lương tâm hơn là những kẻ vì đồng tiền mà tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trốn khai báo y tế và cách ly vào Việt Nam.
Theo Webtretho