CHỦ TỊCH HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ: “ĐIỆN MỘT GIÁ GẦN 3.000 ĐỒNG/KWH, TÔI KHÔNG TÁN THÀNH!”
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam – cho rằng: Phương án điện một giá bằng 145% và 155% giá bình quân là cao. “Không hiểu tại sao đưa ra mức này, tôi không tán thành”, ông nói.
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy kiến.
Ngay sau khi được đưa ra, dự thảo nhận sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận, đặc biệt là phương án “điện một giá”. Với đề xuất mới, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, mức điện một giá bằng 145% – 155% giá bán lẻ điện bình quân là không hợp lý.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tiến Thoả – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ, góp ý đối với dự thảo này.
– Phóng viên: Tại dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã đưa ra phương án một giá để người dân có thể lựa chọn. Theo đó, có 2 mức là bằng 145% và 155% giá điện bình quân. Ông thấy phương án điện một giá đưa ra như theo dự thảo hợp lý chưa?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc Bộ Công Thương dự kiến đưa áo dụng song song hai cách tính giá điện theo bậc thang và điện một giá để người tiêu dùng lựa chọn tôi không phản đối.
Tuy nhiên với phương án một giá bằng 145% và 155% của giá bán lẻ bình quân là cao. Tôi cũng không hiểu tại sao đưa ra mức này, tôi không tán thành.
Người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.
Mức giá trên đều cao hơn giá bán lẻ bình quân. Nó đã phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá bình quân. Điều này phải được minh bạch.
– Có ý kiến cho rằng giá điện một giá quá cao, chỉ có lợi cho những hộ dùng nhiều điện, không khuyến khích tiết kiệm điện. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Phương án điện một giá như trong dự thảo nói thẳng ra là quá cao so với giá bán lẻ hiện hành nếu tính từ biểu giá bậc thang là 2.018 đồng/kWh.
Chuyên gia cho rằng phương án điện một giá bằng 145% và 155% của giá bán lẻ bình quân là cao. Ảnh: N.M.
Nếu so sánh trong nội bộ từng phương án giữa một giá và biểu giá điện bậc thang thì 92,9% số hộ dùng điện trả tiền điện tăng thêm từ 15.000 – 102.500 đồng (2A) và 52.000-122.100 đồng/hộ/tháng (2B). Còn lại 7,1% số hộ tiền dùng điện được giảm từ 83.000 – 240.000 đồng (2A) và 27.900 – 355.000 đồng/hộ/tháng (2B).
– Vậy theo quan điểm của ông, biểu giá bán lẻ điện như nào thì hợp lý, đảm bảo sức chi trả của người dân, chủ trương tiết kiệm điện cũng như doanh thu ngành điện?
Việc cải tiến biểu giá điện phải theo nguyên tắc không làm tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân, tức là không làm tăng doanh thu ngành điện (nếu sản lượng điện không tăng và không có sự chuyển dịch trong tiêu dùng điện giữa các bậc so với trước).
Quan điểm của tôi là chọn phương án 1 như dự thảo. Tuy nhiên cũng cần hoàn thiện thêm: Điều chỉnh lại giá của các bậc thang để đảm bảo giá bình quân hiện hành.
Theo đó cần điều chỉnh lại các bước nhảy của bậc không để khoảng cách quá rộng giữa bậc 2 và bậc 3 là 33%, trong khi bậc 4 và bậc 5 cần khuyến khích tiết kiệm lại chênh lệch chỉ có 8%. Giải quyết được vấn đề này sẽ hạn chế “nhảy tiền” trong những tháng hè tiêu dùng nhiều điện.
– Xin cảm ơn ông!
Vì sao điện một giá không thể bằng giá điện sinh hoạt bình quân?
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) – cho hay: Phương án 1 giá bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ phần đông của các bộ ngành đã lấy ý kiến.
Lý do được ông Tuấn cho biết là với phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.
“Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Được biết, dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý trong tháng 8, sau đó sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Dự kiến biểu giá bán lẻ điện mới sẽ áp dụng từ đầu năm 2021.
Dân Trí