Giá vàng lên đỉnh: Cụ 80 tuổi dốc lương hưu đi mua, lộ mánh nhà vàng ăn lãi
Thị trường vàng tuần qua tạm yên ắng khi giá vàng ở cả hai chiều dao động nhẹ và neo ở mức cao. Lúc này, người ta chứng kiến cảnh mua bán vàng tấp nập, huyên náo.
Tuy nhiên, với sự tăng giá mạnh của giá vàng thời điểm hiện nay so với cùng kỳ năm trước hoặc 2 năm về trước, giá vàng đã tăng gần chục triệu đồng/lượng. Người trót vay vàng để đầu tư làm ăn, mua sắm nhà cửa, phương tiện lo đứng ngồi vì khoản nợ tăng cả trăm triệu đồng. Còn những người trót bán vàng thời điểm giá rẻ để chuyển sang các kênh ngân hàng, đang tiếc từng khúc ruột.
Vay vàng lo đứng lo ngồi với khoản nợ tăng trăm triệu
Giá vàng hiện tại so với thời điểm cách đây 2 năm hoặc 1 năm, gần 17 triệu đồng/lượng (năm 2018) và 12 triệu đồng/lượng (so với cùng kỳ năm 2019). Mức giá vàng biến động mạnh đã khiến nhiều người vay vàng khốn đốn.
Theo chị Tươi (Hà Nội), giá vàng từ đầu năm 2018 thời điểm vay chỉ khoảng 37 đến 38 triệu đồng/lượng, khi giá vàng tăng lên 44 triệu đồng/lượng dịp đầu năm 2020, chị này đã trả được 5 cây vàng, còn 10 cây vàng đến nay vẫn chưa trả được hết.
Chứng kiến giá vàng tăng sốc, chị Tươi ngán ngẩm: "10 cây vàng từ năm 2018 có số tiền gốc là 380 triệu đồng, tiền lãi vay vàng qua 2 năm đã lên đến gần 200 triệu đồng, tương ứng gần 3%/tháng, số lãi năm dao động từ 36%/năm, cao gấp gần 3 lần so với lãi vay ngân hàng. Tính đến nay, cả gốc và lãi đến hơn 580 triệu đồng".
Giá vàng thất thường: Kẻ mua, người bán tấp nập
Mặc dù giá vàng chiều mua và bán được các nhà vàng điều chỉnh tăng hoặc giảm khá mạnh trong các phiên giao dịch buổi sáng. Tuy nhiên, đối với nhiều người có nhu cầu, họ sẵn sàng đến giao dịch.
Người bán mong chốt lời vàng và hy vọng bán ra được mức lãi cao, người mua vì nhiều lý do họ trông chờ giá vàng tăng lên, bất chấp biên độ giữa mua vào và bán ra của các nhà vàng có thời điểm cách nhau từ 1,4 đến gần 2 triệu đồng/lượng.
Lộ chiêu ăn lãi khủng của nhà vàng do hưởng chênh biên độ
Tuần qua, thị trường vàng chứng kiến sự thay đổi thất thường của giá vàng mua vào và bán ra. Biên độ giá vàng bán ra thường cao hơn từ 1,2 đến 1,5 thậm chí có thời điểm cao như ngày 28/7, giá vàng bán ra của các nhà vàng đạt ngưỡng 58 triệu đồng, nhưng giá mua vào của họ chỉ đạt 56 triệu đồng.
Mức chênh biên độ lớn khiến người có vàng chần chừ bán cho nhà vàng, trong khi đó, nhìn thấy cơ hội giá vàng tăng lên cao, nhiều người đổ xô đầu tư vàng thời điểm này. Khoản chênh giá vàng của các nhà vàng tất nhiên được chuyển vào lợi nhuận kinh doanh và người tiêu dùng, đặc biệt những người đầu tư vàng lướt sóng vô hình chung đã làm giàu cho các nhà vàng.
"Ông bố quốc dân" được giao bán gần chục cây vàng
Trong khi giá vàng tăng sốc, phóng viên Dân trí chứng kiến nhiều chi tiết khá đắt từ người mua vàng và người bán vàng.
Tại phố Cầu Giấy, ở một cửa hàng vàng lớn của Bảo Tín Minh Châu, khách hàng trạc 60 tuổi cầm trên tay danh sách gần chục cây vàng gồm 8 lượng vàng, 11 chiếc nhẫn của con cháu gửi ông bán hộ khi giá vàng tăng đỉnh điểm.
Tính sơ sơ, số tiền bán vàng của " ông bố quốc dân " vào khoảng 500 triệu đồng, nhà vàng lo lắng cho người bố quốc dân cầm tiền mặt không an toàn đã tư vấn chuyển khoản số tiền qua ngân hàng, điều này khiến cả khách hàng và nhà vàng tương đối thỏa mãn với dịch vụ của mình.
Bà lão tuổi 80 đổ hết lương hưu vào cuộc chơi vàng
Tại phố Trần Nhân Tông, ngày 27/7, phóng viên Dân trí chứng kiến cảnh cụ bà ngót 80 tuổi nhờ con cháu đem tiền lương hưu đi mua sắm vàng.
Số tiền cụ bà tuổi 80 bỏ ra mua vàng ước tính hơn 100 triệu đồng, đây được xem là tài sản cất trữ khá tốt lành trong bối cảnh tình hình dịch bệnh thế giới đang căng thẳng, bất ổn thương mại gia tăng và kinh tế năm 2020 có nhiều khó khăn.
Việc bà cụ tuổi 80 thức thời mua vào trong lúc giá vàng đạt ngưỡng 57 triệu đồng cho thấy nhu cầu mua và bán vàng hiện nay không chỉ trong bộ phận người trẻ mà ngay cả người già cũng cân nhắc, đong đếm.
An Linh (tổng hợp)