Breaking News

Thêm nhiều người nhập viện vì patê Minh Chay

Sáng 31/8, có thêm 5 bệnh nhân đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khám do các biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, khó thở, sụp mí mắt. Tất cả đều có tiền sử sử dụng patê Minh Chay.
Hiện, Bệnh viện Bạch Mai chưa có thuốc giải độc phù hợp do đây là chứng bệnh rất hiếm gặp.
Giữa tuần trước, bệnh viện này đã được phép nhập khẩu 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu từ Thái Lan (thuốc do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ).
Đến ngày 29/8, loại thuốc này về đến Việt Nam và đã dùng cho 2 bệnh nhân nặng. Với những trường hợp nhẹ hơn, bệnh viện sẽ điều trị bổ trợ là chủ yếu.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2 bệnh nhân bị ngộ độc nặng là 2 vợ chồng 68 và 70 tuổi đang điều trị tại bệnh viện. Cụ thể:
Người chồng 70 tuổi nhập viện từ giữa tháng 8 trong tình trạng khó thở và bị liệt toàn bộ cơ.
Người vợ 68 tuổi, khi nhập viện cũng có các biểu hiện tương tự như liệt cơ, khó thở, nuốt khó và sụp mí mắt.
Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được xác định là ngộ độc pate Minh Chay do nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, tình trạng của người chồng rất nặng, liệt toàn bộ các cơ, phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, gần như bất động.
2 bệnh nhân bị ngộ độc nặng là 2 vợ chồng 68 và 70 tuổi. (Ảnh chụp từ video)
Người vợ cũng liệt toàn bộ các cơ nhưng nhẹ hơn, tuy nhiên, các chức năng cơ bản không thể hoạt động bình thường. Tiên lượng là đáng ngại vì tình trạng liệt kéo dài, trung bình thở máy từ 2 tháng hoặc nhiều tháng nữa. Trong quá trình thở máy, hồi sức có rất nhiều biến chứng đối với bệnh nhân, ngộ độc rất nặng.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, hiện thuốc giải độc rất hiếm, khó kiếm. Thông thường những người ngộ độc nặng, nhược cơ do ngộ độc độc tố Botulinim phải thở máy sẽ phải thở máy trong 2 tháng, quá trình hồi phục sau đó sẽ kéo dài nhiều tháng nữa để hồi phục. Đây là chứng bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam, nhưng nếu gặp thì bệnh sẽ khá nặng.
Sáng cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP. HCM như sau:
  • Thống kê danh sách các ca bệnh có dấu hiệu nhiễm độc độc tố Botulinum và có tiền sử sử dụng thực phẩm chay pate Minh Chay;
  • Báo cáo tóm tắt diễn biến các ca bệnh trên và tình trạng hiện tại của bệnh nhân;
  • Nêu một số bài học kinh nghiệm trong công tác phát hiện ca bệnh, chẩn đoán và điều trị;
  • Tổng hợp và gửi báo cáo khẩn về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong ngày hôm nay (31/8);
  • Có văn bản hướng dẫn chung cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi tiếp nhận ca bệnh mới.
Trong sáng cuối cùng của tháng 8/2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, đã xác định được 1.290 khách hàng tại TP. HCM có mua 1.559 hộp pate Minh Chay. Hiện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM đã liên lạc với từng khách hàng để khuyến cáo không được sử dụng các sản phẩm này trong thời gian chờ thu hồi.