Trung Quốc sẽ ưu tiên cho các nước Mê Kông tiếp cận với vắc xin virus Vũ Hán sau khi vắc xin này được phát triển và đưa vào sử dụng, ông Lý Khắc Cường – Thủ tướng Trung Quốc nói như vậy hôm thứ Hai (24/8).

“Tốt có điều kiện”?!

Theo CGTN, hôm thứ Hai, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực “ngoại giao vắc-xin” khi Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa hẹn sẽ ưu tiên tiếp cận vắc xin ngừa viêm phổi Vũ Hán cho các nước ở vùng sông Mêkông sau khi nước này phát triển đầy đủ và đưa vào sử dụng. Ông Lý Khắc Cường cũng cam kết chia sẻ thông tin kiểm soát nguồn nước cho các quốc gia bị lũ lụt dọc theo sông Mê Kông.
Ông Lý đưa ra những cam kết trên tại Hội nghị được tổ chức qua truyền hình giữa các nhà lãnh đạo trong Hợp tác Lancang – Mê Kông (LMC), một nền tảng hợp tác giữa Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Ông Lý còn hứa Trung Quốc sẽ lập các quỹ đặc biệt để thúc đẩy sức khỏe công theo khuôn khổ của Quỹ đặc biệt thuộc LMC và sẽ tiếp tục cung cấp các tài liệu chống dịch và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước sông Mê Kông.
Trước đó, hồi tháng 7 Trung Quốc cũng đã hứa hẹn quyền ưu tiên tiếp cận vắc-xin cho Philippines sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra lời kêu gọi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Duterte còn cho biết Philippines sẽ không chống lại Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, nơi hai nước có các yêu sách lãnh thổ mâu thuẫn.
Đối với các nước ven sông Mê Kông, Trung Quốc cũng cho biết sẽ cung cấp dữ liệu thủy văn hàng năm để chống lại biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán tốt hơn.
Sông Mê Kông chảy từ Trung Quốc – nơi được gọi là Lancang – qua 5 quốc gia đối tác khác của LMC. Các dự án đập thủy điện của Trung Quốc và các nước khác dọc theo sông Mê Kông đã gây ra căng thẳng chính trị giữa các nước láng giềng dọc theo con sông dài nhất Đông Nam Á.

Vì lợi ích bất chấp sự sống còn của các quốc gia vùng hạ lưu

Hội nghị Mê Kông – Lan Thương lần 3 ngày 24/8 diễn ra trong thời điểm các đập thủy điện và hồ trữ nước nhân tạo của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông bị chỉ trích là nguyên nhân gây ra dòng chảy thấp kỷ lục ở Mê Kông trong 2 năm liên tiếp và tình trạng hạn hán nặng nề ở các quốc gia hạ nguồn.
Trước đó truyền thông quốc tế đưa tin, theo báo cáo ngày 7/8 của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) dự báo khô hạn nghiêm trọng sẽ gia tăng cường độ tại các phụ lưu sông Mê Kông ở khu vực đông bắc Campuchia. Đặc biệt, mực nước tại Biển Hồ ở mức thấp nhất từ năm 1997. Bên cạnh đó, MRC cũng dự báo khô hạn đối với miền trung Lào và đông bắc Thái Lan.
MRC cũng kiến nghị nếu dòng chảy vẫn ở mức thấp, bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước như năm 2016, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.
Trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016, mà ĐBSCL của Việt Nam là “nạn nhân” chính, các chuyên gia phân tích có hai nguyên nhân chính gây ra hạn hán. Đầu tiên là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino (là một trong những hiện tượng thời tiết bất thường gây thảm họa cho con người). Hai là lượng nước đổ về ĐBSCL từ sông Mê Kông bị giảm mạnh do hệ thống các đập thủy điện được nhiều quốc gia xây dựng trên dòng chính của con sông.
Tháng 4/2016, Trung Quốc thông báo sẽ xả nước ở đập thủy điện Cảnh Hồng để giúp chống hạn ở hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, ông La – trạm trưởng trạm thủy văn Cảnh Hồng, xác nhận với phóng viên Tuổi Trẻ rằng lượng nước xả của Trung Quốc chỉ là 2.300m3/s, thấp hơn nhiều so với lượng xả nước từ đập này vào tháng 6/2015 là 3.800m3/s. Hơn 4 năm sau, 13 con đập thủy điện của Trung Quốc chắn ngang thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục bị giới chuyên gia cho là nguyên nhân gây hạn hán. Ngay lập tức giới nghiên cứu Trung Quốc phản bác và cố chứng minh điều ngược lại mới đây khi cho rằng các đập do nước này xây trên sông Mê Kông đang giúp giảm nhẹ hạn hán thông qua việc trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô.
Lập luận này ngay lập tức bị giới nghiên cứu quốc tế bác bỏ. Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), chỉ ra rằng hạn hán xảy ra cả vào mùa mưa, và báo cáo khoa học của Trung Quốc đã không đề cập điểm này. Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe Frankfurt (Đức) cũng cho rằng các đập Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán.
Theo ông Brian Eyler, trong 30 năm qua Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước để phục vụ lợi ích quốc gia.