"Đừng lo! Đồng lòng, rồi tất cả sẽ ổn thôi!"
Đôi cánh phượng hoàng xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn hôm nọ, như một điềm báo về sự an lành sắp tới “Đừng lo. Đồng lòng, rồi tất cả rồi sẽ ổn thôi”.
Đầu tháng 8 chị tôi cưới chồng – lần 2 trong năm Covid-19. Nhà tôi đã kịp gọi cho bà con để hoãn lịch, ngưng chuẩn bị tất cả mọi thứ. Dù chi phí chuẩn bị cho 2 lần cưới là một con số lớn, nhưng sức khỏe là trên hết. Nên cuối cùng, nhà tôi đã dừng lại vì hai chữ “An toàn” cho chính mình và bà con.
Tôi là người con của đất Quảng kiên cường cần kiệm. Những ngày này, ngồi ở Sài Gòn nhìn về quê mà thấy lòng mình rưng rưng.
Ngoại tôi bảo, ngày xưa đi chống giặc, bây giờ ngồi chống dịch. Cuộc chiến chống dịch thời bình chỉ mới bắt đầu thôi, nhưng cũng đủ để thấy tinh thần đoàn kết và ý thức của người dân quê tôi mạnh mẽ lắm.
Khi cả nước đang truy vết ngăn dịch, thì người dân quê tôi cũng chung sức đồng lòng hỗ trợ nhau bằng tất cả những gì mình có. Ở tuyến xã, nhiều hộ gia đình đã may khẩu trang tại nhà để phát miễn phí. Nhiều chị em phụ nữ gác lại việc may quần áo, dành thời gian may khẩu trang, với mong muốn giúp người dân có ý thức đeo khẩu trang nơi công cộng. Những chiếc khẩu trang được may bằng vải kháng khuẩn, gấp nếp, kéo quai, giặt ủi cẩn thận.
Khi lệnh phong tỏa khu phố được ban hành, lại có những tấm lòng san sẻ yêu thương. Hàng trăm kí cải, xà lách, đu đủ của người trồng rau ở xã Nghĩa Dũng – TP. Quảng Ngãi gửi tặng cho khu cách ly thành phố, nơi sinh sống của bệnh nhân 419.
Tôi sống ở Sài Gòn, nghĩ về quê và nhìn lại đất phố, thấy yên tâm nhưng lòng lại hoang mang đôi chút.
Đi qua một mùa dịch, bước qua một cánh cửa tử. Có đôi người sẽ mạnh mẽ vươn tay cho rằng mình khỏe, Covid-19 ấy mà, qua một lần rồi có gì mà lo. Có người của mùa đầu rất cẩn trọng, nước rửa tay, sát khuẩn, khẩu trang, nhưng giờ thì có người cũng nghênh ngang chạy ngoài đường rồi. Bởi vây, cái nguy hiểm nhất trong đợt dịch lần này không phải là virus biến chủng mới, cũng chẳng phải chưa truy được nguồn F0, mà chính là sự chủ quan của người Việt mình.
Tôi ý thức rằng, mình không thể xảy ra vấn đề gì trong thời gian này được. Nếu lỡ như, mình dính dịch từ một ai đó, thì sự dẫn chuyền lây lan sẽ kéo đến đâu? Một người dính dịch, cả làng sợ toang. Nhưng sự hoang mang đó xuất phát từ đâu? Nếu như mình có ý thức tốt, đeo khẩu trang bảo vệ, rửa tay, súc miệng và hạn chế tiếp xúc nơi đông người, thì sẽ chẳng có bất kì sự hoang mang nào hiện hữu cả.
Ở thời buổi công nghệ phát triển, chống dịch như chống giặc, chúng ta không chỉ làm tốt công tác tư tưởng trong đời thực, mà còn phải củng cố tinh thần của thế giới ảo.
Có những hình ảnh động viên, cổ vũ Đà Nẵng, Quảng Ngãi được lan truyền mạnh mẽ. Nhưng cũng có những câu chuyện bài xích miền Trung, những chuyến thoát ly tự trào gây xôn xao cộng đồng. Chúng ta ngồi ở nhà, và gõ những bàn phím tiêu cực về nhau trên thế giới ảo. Thậm chí, có những bài chia sẻ với nội dung vỏn vẹn 3 chữ “Toang thật rồi”.
Thử đặt mình vào vị trí của những y bác sĩ nơi đầu tuyến, tôi nghĩ chắc tim mình sẽ thắt lại vì đau, cơ thể mình sẽ rã rời vì kiệt sức và bất lực.
Y bác sĩ là những người xung phong ra đầu sóng ngọn gió để chống dịch. Họ là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, là những người mạnh mẽ nhất, nhưng cũng cô đơn nhất. Chúng ta ở lại chỗ của mình, vẫn có gia đình thương yêu, xa đôi ngày đã thấy nhớ, huống hồ là đi chống dịch thì cô đơn đến độ nào. Cảm giác lúc ấy sẽ ra sao? Nếu bạn đặt mình vào vị trí của họ, chiến đấu hết mình, để rồi nghe 3 chữ “Toang thật rồi”. Cuộc chiến ngoài đời đã đủ thấm mệt rồi, hãy để những lời động viên, tin tích cực vực dậy tinh thần của chúng ta đi. Thay vì “Toang”, mình có thể động viên nhau, chung tay chia sẻ những câu chuyện hay, nghĩa cử cao đẹp để vượt qua khó khăn này.
Lệnh cách ly toàn xã hội mùa thứ 2 vẫn chưa tới. Nhưng mỗi cá nhân hãy biết tự thân yêu lấy mình, cũng chính là yêu lấy gia đình, xã hội và những người thân yêu.
Chống Covid-19 là việc quan trọng cần nhắc đến “N” lần. Sẽ có những người “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng là việc quan trọng, nhắc lại nhiều lần cẩn trọng vẫn hơn.
Mỗi người chúng ta hãy nên:
- Hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với người lạ.
- Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, súc mũi, súc miệng mỗi ngày
- Tập thể dục, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý nâng cao sức khỏe
- Tự giác khai báo y tế khi đi về từ vùng dịch, hoặc có dấu hiệu bất thường nghi ngờ về triệu chứng
- Cập nhật tin tức mỗi ngày, nắm bắt tình hình mới để bảo vệ cho mình và những người xung quanh.
- Và quan trọng, hãy nhắc nhớ nhau mỗi ngày, để mắt và quan tâm đến nhau khi còn có thể.
Chăm sóc cho chính mình rồi, thì cũng nên nhìn quanh xã hội, bằng cách san sẻ một ít nước rửa tay, vài cái khẩu trang cho những người còn yếu thế. Hôm nọ đi bách hóa, tôi bắt gặp một em bé gái đi cùng mẹ. Lúc ra về, em đã lấy chiếc khẩu trang mới từ trong túi ra, tặng cho chú bảo vệ già. Vậy là, một người lớn như tôi cũng phải học hỏi mà để ý xung quanh, chia một phần khẩu trang mình có để ai cũng có thể tự bảo vệ cho chính mình. Ý thức của xã hội đơn giản chỉ có thế, bắt nguồn từ một cá nhân với hành động nhỏ bé, nhưng đủ sức ảnh hưởng và lan tỏa cho những người xung quanh.
Tôi đã viết những dòng này với những đợt da gà cuộn trào từ vai lên gáy. Vì những đồng lòng ngọt ngào mà chúng ta đã dành cho nhau trong mùa dịch này.
Đôi cánh phượng hoàng xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn hôm nọ, như một điềm báo về sự an lành sắp tới “Đừng lo. Đồng lòng, rồi tất cả rồi sẽ ổn thôi”.